[Kiến Thức] Tại Sao Cơ Thể Phụ Nữ Lại Dẻo Dai Và Linh Hoạt Như Vậy?

Nam N. Phung
Đăng ngày 29/08/2020
2,002 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích


Nếu không có bản năng mang thai và sinh nở cao cả của nữ giới thì con người không thể duy trì hậu duệ. Do đó, sự tiến hóa của cơ thể phụ nữ đã có những yếu tố bất lợi cho chạy bộ. Vì nội tiết tố nữ có thể làm giãn các khớp và dây chằng, điều này không có lợi cho chạy bộ. Nhưng liệu vận động viên có thể cải thiện tình trạng này thông qua tập luyện không?

Mỗi khi nhìn thấy các vận động viên nữ thực hiện các bài tập co giãn cơ trước và sau khi vận động, mọi người đều trầm trồ khen ngợi sự dẻo dai tuyệt vời của họ. Họ có thể dễ dàng chạm đất bằng ngón tay hoặc thậm chí cả lòng bàn tay khi cúi người xuống, kể cả đối với những phụ nữ lớn tuổi mới tham gia lớp thể dục và chưa tập luyện lâu năm. Ban đầu hầu hết mọi người luôn cho rằng nguyên nhân chính là do thớ cơ của đàn ông dày hơn, nên độ mềm dẻo của cơ thể sẽ kém hơn phụ nữ. Nhưng gần đây quan điểm này đã được thay đổi bởi một quyển sách về nhân chủng học. Nghiên cứu này giải đáp bí ẩn tại sao cơ thể của phụ nữ lại linh hoạt hơn. Cuốn sách thú vị "Nguồn gốc của loài người" này là tác phẩm của Tiến sĩ Lee Sang-hye, một nhà nhân chủng học người Hàn Quốc. Cô ấy đã chuyển nội dung của các kiến thức nhân học phức tạp thành nhiều chương với tiêu đề là những câu hỏi thú vị (chẳng hạn như "Con người có ăn thịt người không?") để suy luận về sự tiến hóa của loài người. Quyển sách cũng bao gồm nghiên cứu từ những nhà nhân chủng học nổi tiếng, nhằm biện chứng tình huống và các ý nghĩa hiện tại bắt nguồn từ khảo cổ học.

Trong quá trình tiến hóa của con người, Tiến sĩ Li giải thích rằng dung lượng não của con người cổ đại sống cách đây từ 4 đến 5 triệu năm chỉ ngang bằng với tinh tinh, với khoảng 450 ml (dựa trên hóa thạch hộp sọ được khai quật). Nhưng với nhu cầu sống của con người, con người tiếp tục tiến hóa và trở nên thông minh hơn thì dung lượng não ngày càng lớn hơn. Cách đây khoảng 100.000 năm dung lượng não người đã lên tới 1.400 ml, ngang bằng với dung lượng não của chúng ta bây giờ. Kích thước não tỷ lệ thuận với kích thước đầu, nên đầu người cũng ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên đây cũng là một thử thách dành cho phụ nữ mỗi khi sinh sản. Để đi đứng thẳng và vững vàng, khung xương chậu của con người càng hẹp càng tốt, nhưng đầu con người ngày càng lớn hơn. Kích thước đầu của thai nhi lớn hơn nhiều so với chiều rộng của âm đạo. Do đó, cấu trúc cơ thể của phụ nữ bắt đầu thay đổi để tạo điều kiện cho sinh sản. Một là, xương chậu của phụ nữ mở rộng và to ra. Hai là cơ thể phụ nữ còn tiết ra hormone "relaxin”, giúp thư giãn các khớp và dây chằng của cơ thể, để em bé có thể đi qua âm đạo một cách thuận lợi và dễ dàng. Điều này giải thích tại sao khung xương chậu của phụ nữ rộng hơn và cơ thể cũng có độ mềm mại tốt hơn nam giới.

Tại sao cơ thể phụ nữ lại mềm mại dẻo dai hơn (Nguồn ảnh: Livestrong.com)

Nếu không có sự mang thai và sinh nở cao cả của nữ giới thì con người không thể duy trì hậu duệ. Để sinh ra thế hệ sau, sự tiến hóa của cơ thể phụ nữ có những yếu tố gây ra bất lợi cho chạy bộ. Đầu tiên là vấn đề xương chậu rộng. Khi cơ thể di chuyển về phía trước, khung xương chậu rộng thường có xu hướng lắc từ bên này sang bên kia. Do đó, đối với các môn thể thao yêu cầu vận động thẳng người, khi tuyển chọn VĐV, các huấn luyện viên chuyên nghiệp sẽ đặc biệt ưu tiện chọn những VĐV có khung xương chậu hẹp để có lợi thế tự nhiên. Đối với những vận động viên chạy nghiệp dư thông thường, chúng ta không cần phải quá chú trọng vào vấn đề cơ địa bẩm sinh này. Chúng ta có thể sử dụng các bài tập để khắc phục những hạn chế này. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề cơ thể lắc lư từ bên này sang bên kia do xương chậu rộng là hơi nghiêng thân mình về phía trước khi chạy. Khi nghiêng người về phía trước, để không bị té ngã về phía trước, bản năng của bàn chân sẽ duy trì hướng về phía trước, do đó làm giảm lực chuyển động ngang của hai bên. HLV thường nói với học viên của mình rằng khi tận dụng được sức mạnh của trọng lực bạn sẽ có thể chạy dễ dàng hơn.


Thứ hai là vấn đề lỏng lẻo các khớp và dây chằng. Không phải cơ thể có độ dẻo dai nhiều thì sẽ tốt hơn sao? Đầu tiên cần làm rõ là dây chằng là mô bao quanh khớp của cơ thể, mục đích bảo vệ không cho góc của khớp quá lớn dễ gây ra trật khớp. Nếu dây chằng lỏng lẻo thì vai trò bảo vệ khớp sẽ bị suy yếu. Khi chạy, cơ thể được sẽ liên kết toàn diện. Khi một khớp nào đó có góc vận động lớn, cơ thể sẽ bị rung lắc mạnh theo tất cả các hướng, điều này không có lợi cho việc truyền lực xuống các chi dưới. Do đó sự ổn định của khớp có vị trí then chốt trong vận động của cơ thể trong quá trình chạy. Nếu cơ thể mềm dẻo do khớp và dây chằng lỏng lẻo chứ không phải do cơ và gân co giãn tốt, thì điều này hoàn toàn không có lợi cho việc chạy. Đây chính là nguyên nhân khiến chúng ta chỉ có thể kéo căng cơ và gân thay vì kéo giãn dây chằng khi thực hiện các động tác co giãn. Những người tập thể hình nói chung sẽ không biết bài tập kéo giãn nào sẽ làm giãn dây chằng, vì vậy không nên quá chú trọng vào sự mềm mại, phải thực hiện các bài tập căng giãn nhưng phải với góc độ duỗi vừa phải.


Vì nội tiết tố nữ có thể làm giãn dây chằng của các khớp, điều này không có lợi cho việc chạy. Tuy nhiên vận động viên có thể cải thiện tình trạng này thông qua tập luyện. Sau đây là các bài tập ổn định khớp được khuyến nghị để cải thiện khả năng chạy:

1. Bài tập vai: 

(1) Dùng tay kéo dây đàn hồi đặt trên ngực, giữ tư thế trong 5 đến 10 giây, sau đó lặp lại động tác. Tập khoảng 6 đến 10 tổ hợp.

(2) Hai tay duỗi thẳng về phía trước, kéo giãn dây đàn hồi, giữ tư thế trong 5 đến 10 giây, sau đó lặp lại động tác. Tập khoảng 6 đến 10 tổ hợp.

(3) Hai tay giơ thẳng lên trên, kéo giãn dây đàn hồi, giữ tư thế trong 5 đến 10 giây, sau đó lặp lại động tác. Tập khoảng 6 đến 10 tổ hợp.

2. Bài tập khớp háng và xương chậu:

(1) Nằm thẳng trên mặt đất.

(2) Dùng sức nâng xương chậu lên (tức là tư thế cây cầu) và giữ nguyên tư thế trong 20 giây.

Tư thế của bài tập hông và xương chậu. (Nguồn ảnh: Guo Fengzhou)


(3) Duỗi thẳng một chân, giữ trong 5 đến 10 giây, đổi chân và nâng cao lên, giữ 5 đến 10 giây rồi trở lại tư thế nằm.

Tư thế của bài tập hông và xương chậu. (Nguồn ảnh: Guo Fengzhou)


(4) Thực hiện khoảng 6 đến 10 tổ hợp.

Trên thực tế, không phải tất cả nam giới đều có xương chậu hẹp, vẫn có một tỷ lệ lớn nam giới có khung xương chậu rộng hơn, nên khi chạy bạn nên nghiêng người về phía trước và giảm vận động sang hai bên để giảm áp lực lên khớp háng nhằm ngăn ngừa các vấn đề về hông trong tương lai. Các bài tập ổn định khớp cũng vậy, một số nam giới có độ ổn định khớp kém không phải do dây chằng lỏng lẻo mà là do khối lượng cơ không đủ. Đặc biệt nam giới ở độ tuổi trung niên và cao niên cũng cần tăng cường các bài tập ổn định khớp, điều này tốt cho các hoạt động chạy nhảy và sinh hoạt.


[Nguồn bài viết: Running Biji]